1. Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh là gì?

Vàng da là tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh. Theo Cơ quan Y tế Quốc gia Anh, trung bình cứ 10 trẻ sơ sinh thì 6 trẻ có hiện tượng vàng da. Với những trẻ đẻ non trước 37 tuần thai, tỉ lệ này có thể lên đến 8/10.

Vàng da đa phần là hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ sơ sinh nhưng cũng có thể là biểu hiện bệnh lý. Sở dĩ trẻ sơ sinh có triệu chứng vàng da là do nồng độ bilirubin trong máu tăng cao. Có 2 nguyên nhân khiến nồng độ bilirubin của trẻ sơ sinh tăng cao:

  • Một là do sự phá hủy hồng cầu tạo ra sản phẩm là bilirubin có màu vàng. Trẻ sơ sinh có nồng độ hồng cầu cao hơn người lớn và tốc độ thay thế cũng nhanh hơn. Do đó, lượng bilirubin được tạo ra mỗi ngày nhiều hơn.
  • Hai là do gan của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện. Thông thường, gan đảm nhiệm vai trò đào thải bilirubin ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, chức năng gan của trẻ sơ sinh còn yếu, dẫn đến tích tụ nhiều bilirubin. Sau 2 tuần tuổi, chức năng này của gan tốt hơn nên tình trạng vàng da mất dần.

 benh-vang-da-o-tre-so-sinh

Chính vì 2 lý do đó mà trẻ sơ sinh có biểu hiện vàng da. Ngoài ra, nếu trẻ sơ sinh vàng da do nguyên nhân bệnh lý thì còn có thêm cơ chế của riêng căn bệnh đó, ví dụ như hồng cầu dễ vỡ, chức năng gan mật suy giảm hoặc bệnh lý nội tiết…

2. Biểu hiện trẻ sơ sinh bị bệnh vàng da

Để phát hiện tình trạng vàng da, bố mẹ hãy quan sát màu sắc da, phân và nước tiểu của trẻ. Bố mẹ hãy đặt trẻ tại nơi có ánh sáng mặt trời để đánh giá vùng da trên mặt, ngực, bụng, cánh tay, cẳng chân, lòng bàn tay, bàn chân của trẻ. Bỉm của trẻ sẽ có màu vàng sậm do nước tiểu và phân sẫm màu.

Với vàng da sinh lý, những biểu hiện này xuất hiện từ ngày thứ 2 hoặc thứ 3 sau sinh và có thể kéo dài tới 2 tuần. Trẻ đẻ non thậm chí có thể vàng da tới hết độ tuổi sơ sinh.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, vàng da ở trẻ sơ sinh có thể là hiện tượng sinh lý bình thường hoặc cũng có thể là bệnh lý nghiêm trọng. Vàng da bệnh lý do nguyên nhân bất đồng nhóm máu mẹ con, các bệnh lý di truyền, bẩm sinh hoặc do vấn đề về gan mật… Khác với vàng da sinh lý chỉ cần theo dõi tại nhà, vàng da bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị sớm tại bệnh viện. Bố mẹ cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ tới cơ sở y tế thật sớm.

bieu-hien-vang-da-o-tre-so-sinh

Các dấu hiệu nguy hiểm của vàng da mà bố mẹ cần cảnh giác là:

  • Vàng da xuất hiện quá sớm, ngay trong ngày đầu tiên sau khi chào đời.

  • Vàng da kéo dài liên tục quá 1 tháng tuổi.

  • Vàng da nhanh và nhiều. Thông thường vàng da sinh lý chỉ biểu hiện ở mặt, ngực, bụng và tốc độ lan tỏa khá chậm. Nhưng nếu bố mẹ quan sát thấy lòng bàn tay và lòng bàn chân 2 bên của trẻ cũng chuyển màu vàng và chỉ sau 1 – 2 ngày, da toàn thân của trẻ đã vàng sậm thì cần cho trẻ đi khám ngay.

3. Bổ sung vitamin D cho trẻ vàng da có hết không?

Các mẹ bỉm sữa thường truyền tai nhau vitamin D có liên quan đến tình trạng vàng da của trẻ. Quan điểm này có phần đúng nhưng cũng có phần sai. Các nghiên cứu khoa học trên thế giới đã khẳng định trẻ bị vàng da có nồng độ vitamin D trong máu thấp hơn trẻ khỏe mạnh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trẻ thiếu vitamin D có nguy cơ vàng da cao hơn hoặc bổ sung vitamin D có tác dụng giúp trẻ hết vàng da.

Sở dĩ trẻ vàng da có nồng độ vitamin D trong máu thấp hơn trẻ khỏe mạnh là bởi vitamin D và bilirubin đều phải chuyển hóa qua gan. Khi gan tập trung biến đổi bilirubin thành sản phẩm không gây hại cho não bộ của trẻ sơ sinh thì quá trình tiếp nhận và xử lý vitamin D tạm thời bị đình trệ. Đó là nguyên nhân khiến trẻ vàng da có nguy cơ cao thiếu vitamin D.

Mặc dù vậy, quá trình biến đổi bilirubin tại gan không cần sự có mặt của vitamin D và ngược lại. Do đó, câu trả lời cho thắc mắc “Bổ sung vitamin D cho trẻ có hết vàng da không?” là không. Cho trẻ vàng da uống vitamin D giúp trẻ không bị thiếu hụt vi chất này chứ không có tác dụng giảm bớt tình trạng vàng da.

bo-sung-vitamin-d-cho-tre-vang-da

4. Bổ sung vitamin D cho trẻ vàng da thế nào là hợp lý?

4.1 Cho trẻ vàng da uống vitamin D giống như trẻ sơ sinh bình thường

Nhu cầu vitamin D hàng ngày của trẻ sơ sinh dù khỏe mạnh hay vàng da là 400 IU. Mặc dù trẻ vàng da có nguy cơ cao thiếu vitamin D nhưng 400 IU là đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ. Do đó, bố mẹ không cần cho trẻ vàng da uống nhiều vitamin D hơn các trẻ khác. Bố mẹ cũng chỉ cần cho trẻ uống duy nhất 1 lần trong ngày, vào thời điểm trước bữa bú buổi sáng và uống hàng ngày.

4.2 Tăng cường cho trẻ vàng da bú mẹ

Mặc dù hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ rất thấp, chỉ khoảng 50 IU trong 1 lít nhưng sữa mẹ lại là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời. Không bú đủ sữa mẹ khiến trẻ chậm đi phân su. Trong khi đó, phân su chính là một cách giúp đào thải bilirubin ra khỏi cơ thể. Do đó, cho trẻ bú mẹ sớm và nhiều giúp cải thiện tình trạng vàng da.

Với trẻ vàng da, mẹ nên tăng số lượng bữa bú trong ngày, khoảng 8 – 12 lần. Cách này giúp trẻ tăng cường nhu động ruột, đi ngoài phân su sớm và nhiều hơn, từ đó đào thải bilirubin qua phân nhanh hơn. Nếu bạn gặp khó khăn khi thực hành cho con bú, hãy nhờ sự hướng dẫn và tư vấn từ các nhân viên y tế.

tre-bu-me

4.3 Không nên cho trẻ sơ sinh vàng da tắm nắng

Nhiều bậc phụ huynh lầm tưởng rằng cho trẻ vàng da tắm nắng sẽ giúp trẻ nhanh hết triệu chứng đồng thời bổ sung vitamin D. Tuy nhiên, quan điểm này vô cùng sai lầm và dẫn hết nhiều hậu quả sức khỏe khôn lường với trẻ sơ sinh. Phương pháp chiếu đèn để điều trị vàng da được gọi là quang trị liệu. Phương pháp này sử dụng ánh sáng đặc biệt, có màu xanh, khác hoàn toàn với ánh nắng mặt trời hay đèn điện trong nhà. Đối với quá trình sản xuất vitamin D, trẻ cần tia UVB từ ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, tia UVB lại là tác nhân gây tổn thương và ung thư da hàng đầu ở trẻ sơ sinh. Do đó, không nên cho trẻ sơ sinh vàng da tắm nắng.

Vậy là bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “Bổ sung vitamin D cho trẻ có hết vàng da không?” đồng thời hướng dẫn bạn cách bổ sung hợp lý vi chất này cho trẻ sơ sinh có tình trạng vàng da. Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn! Bạn hãy nhớ rằng: vitamin D rất cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ sơ sinh, đặc biệt với trẻ vàng da là đối tượng có nguy cơ cao thiếu vitamin D.